Sau 11 năm với nhiều lần IUI và IVF thất bại, chị Hà vỡ òa hạnh phúc khi hành trình tìm con được đền đáp, đặc biệt nhờ công lao của bác sĩ Tăng Đức Cương.

“Phép màu” đã đến khi chị tìm được đúng thầy, đúng thuốc, và giờ đây, niềm hạnh phúc được nhân đôi: một bé 3 tuổi cùng cặp song thai đang lớn lên từng ngày. Ở tuổi 37, ôm trong mình hai mầm sống, chị Hà vẫn không tin rằng sau hành trình dài đằng đẵng và nhiều nước mắt, hạnh phúc lại đến diệu kỳ đến vậy.

Những cánh cửa hy vọng lần lượt khép lại

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi anh Nguyễn Tương Phượng (sinh năm 1986) và chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1987) về chung một nhà, mang theo ước mơ giản dị về một mái ấm đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Nhưng một năm trôi qua, mong ước ấy vẫn mãi xa vời. Hai vợ chồng quyết định gõ cửa các bệnh viện.

“Lần đầu đi khám, bác sĩ kết luận chồng tôi tinh trùng yếu, còn tôi thì bình thường,” chị Hà nhớ lại. Cả hai bắt đầu hành trình tại một bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội. Hai lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) sau đó đều không mang lại kết quả. Niềm hy vọng ban đầu dần bị thay thế bởi nỗi lo âu.

Năm 2015, cặp đôi chuyển sang bệnh viện khác với niềm hy vọng mới. Nhưng tin không vui lại ập đến. Sau lần chụp tử cung vòi trứng, các bác sĩ phát hiện một bên của chị Hà đã bị tắc. “Uống thuốc cũng không ăn thua,” chị kể, giọng chùng xuống.

Cánh cửa IUI lại được mở ra thêm hai lần nữa, và rồi cũng lặng lẽ khép lại. Các bác sĩ chỉ định hai vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) – con đường cuối cùng và cũng là niềm hy vọng lớn nhất.

Lần đầu làm IVF, anh chị gom góp tất cả niềm tin. Chị Hà chọc được 4 trứng, tạo thành 3 phôi. Nhưng duyên con chưa đến. Lần chuyển phôi đầu tiên thất bại. Ba tháng sau, lần chuyển phôi thứ hai cũng cho kết quả tương tự. Phôi cuối cùng cũng không đủ sức để đi tiếp.

“Lúc đó tôi buồn lắm, gần như sụp đổ,” chị Hà nghẹn ngào. Chị quyết định tạm dừng để cơ thể và tinh thần được nghỉ ngơi. Những ngày tháng đó, chính anh Phượng là người vực vợ dậy. Anh không nói nhiều lời hoa mỹ, chỉ lặng lẽ ở bên, chăm sóc và thủ thỉ: “Cứ cố gắng, rồi mong ước của mình sẽ đạt được thôi em”. Lời động viên của chồng như dòng nước mát lành tưới lên tâm hồn đang khô cằn của chị.

Vị bác sĩ và niềm tin được gieo mầm 

Giữa lúc tưởng chừng bế tắc, một mầm hy vọng được đâm chồi . Một người trong làng, từng thành công nhờ IVF, đã giới thiệu chị Hà với bác sĩ Tăng Đức Cương. Năm 2019, mang theo chút hy vọng, hai vợ chồng tìm đến vị bác sĩ được đánh giá “bàn tay vàng trong làng IVF”. 

Ngay lần đầu gặp mặt, chị Hà đã có một niềm tin kỳ lạ. Chị quay sang nói nhỏ với chồng: “Mong duyên của bác sĩ giúp vợ chồng mình tìm được con”.

Tháng 4/2019, sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ Cương phát hiện vấn đề cốt lõi: nội tiết của chị Hà kém, còn tinh trùng của anh Phượng yếu. Một phác đồ điều trị cá nhân hóa được đưa ra. Tháng đầu tiên, cơ địa chị không đáp ứng tốt với thuốc. Tháng thứ hai, dù vẫn duy trì đơn thuốc, chất lượng trứng vẫn chưa cải thiện nhiều.

Ngoài phác đồ chuẩn bị kỹ lưỡng, bác sĩ Cương khuyên chị về nhà nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, quan trọng nhất là giữ tinh thần thật thoải mái. 

“Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tốt thì mọi thứ sẽ tốt lên”, bác sĩ nói. Lời khuyên đó như cởi bỏ gánh nặng tâm lý mà chị đã mang suốt nhiều năm. Anh chị tuân theo, tạm gác lại những lo toan, cùng nhau vun đắp lại sức khỏe và niềm tin.

Trái ngọt đầu tiên sau 8 năm mòn mỏi

Tháng 12/2019, khi thể chất và tinh thần đã sẵn sàng, chị Hà bước vào chu trình IVF thứ hai trong đời, nhưng là lần đầu tiên dưới sự đồng hành của bác sĩ Tăng Đức Cương. Lần này, kết quả khả quan hơn. Chị chọc được 6 trứng, tạo thành 6 phôi ngày 3. Sau khi nuôi cấy đến ngày 5, chị có được 3 phôi.

Hai vợ chồng dự định nghỉ ngơi vài tháng trước khi chuyển phôi, nhưng một biến cố gia đình đã khiến kế hoạch phải lùi lại gần một năm. Mãi đến tháng 10/2020, chị Hà mới có thể bắt đầu hành trình “tìm con”. 

Lần này, chị chuyển 2 phôi. Mười bốn ngày sau, chiếc que thử thai hiện lên hai vạch đỏ – màu của hạnh phúc mà anh chị đã chờ đợi suốt 8 năm. Một em bé kháu khỉnh, khỏe mạnh chào đời năm 2021, biến ước mơ của họ thành hiện thực. 

Phép màu IVF nhân đôi trên con đường không từ bỏ

Niềm vui có con đầu lòng là động lực để anh chị tiếp tục hành trình. Năm 2023, chị Hà chuyển nốt phôi cuối cùng. Nhưng thai ngừng phát triển ở tuần thứ 6. Nỗi buồn quay trở lại, nhưng lần này, họ không còn tuyệt vọng. Họ đã có một thiên thần nhỏ ở bên để làm điểm tựa.

Chỉ vài tháng sau, tháng 12/2023, với khao khát có thêm con, anh chị quyết định bắt đầu một chu trình IVF mới. “Mình còn sức, còn niềm tin thì mình còn cố gắng,” anh Phượng động viên vợ. 

Lần này, may mắn đã mỉm cười trọn vẹn. Chị Hà chọc được 5 trứng, tạo 4 phôi tốt. Bác sĩ Cương và ê-kíp đã chuyển 2 phôi cho chị. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi cả hai phôi đều làm tổ thành công.

“Biết tin đậu song thai, tôi vỡ òa. Không thể tin được ông trời lại thương vợ chồng tôi đến thế,” chị Hà xúc động nói.

Hiện tại, ở những tháng giữa thai kỳ, hành trình vẫn còn nhiều thử thách. Mang song thai ở tuổi của chị không phải là điều dễ dàng. Nhưng mỗi lần đi khám, được nhìn thấy hai con đang lớn lên khỏe mạnh, mọi lo lắng trong anh chị lại tan biến.

“Chúng tôi thực sự cảm thấy an tâm khi có sự theo dõi sát sao của các bác sĩ tại Đông Đô IVF Center. Các bạn nhân viên ở đây từ lễ tân đến y tá, ai cũng tận tình, chu đáo. Về nhà có gì không hiểu gọi điện hỏi đều được tư vấn rất kỹ,” anh Phượng chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Phượng trầm ngâm: “Giờ được bước nào là mừng bước đấy. Tôi chỉ mong các con đủ ngày đủ tháng, chào đời khỏe mạnh là mãn nguyện rồi”.

Hành trình “đãi cát tìm vàng” của vợ chồng chị Hà, anh Phượng là câu chuyện về sức mạnh của tình yêu và niềm tin son sắt. Với họ, “vàng” không chỉ là những đứa con, mà còn là tình nghĩa vợ chồng được tôi luyện qua bao năm gian khó, để rồi may mắn gặp được người dẫn đường tận tâm và cập bến bờ hạnh phúc.