Gần 10 năm thất bại, chị Diệu đã đón “phép màu IVF” từ phôi loại ba nhờ bác sĩ Tăng Đức Cương.
Thử nhiều phương pháp vẫn chưa thành công
Khao khát có con, hai vợ chồng đã tìm hiểu và thử nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trong số đó, thụ tinh nhân tạo (IUI) là con đường anh chị đã lựa chọn. Nhưng 5 lần thực hiện IUI là 5 lần hy vọng rồi lại ngậm ngùi thất vọng. Mỗi khi nhận được kết quả âm tính, chị Diệu lại cảm thấy trái tim mình thêm một lần tan nát.
“Cảm giác đó thật sự nặng nề. Áp lực từ mọi phía đổ dồn lên vai”, chị Diệu kể.
Không bỏ cuộc, hai vợ chồng quyết định bước tiếp lên một nấc thang khó khăn hơn: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hai lần chọc trứng, gom góp từng “hạt mầm” hy vọng, nhưng kết quả vẫn không như ý. Chất lượng phôi của chị Diệu không tốt, chỉ toàn phôi độ 2, độ 3, độ 4.
Ba lần chuyển phôi sau đó đều thất bại. Tiền bạc cạn kiệt, sức khỏe hao mòn, nhưng đau đớn nhất vẫn là tổn thất về tinh thần.
Anh Mạnh – chồng chị Diệu – là người đàn ông vốn ít nói, chỉ biết lặng lẽ nắm tay vợ sau mỗi lần thất bại, giấu đi tiếng thở dài. Anh kể: “Thương vợ lắm. Nhìn cô ấy tiêm thuốc kích trứng bụng dạ tím bầm, người mệt mỏi phờ phạc, rồi lại đối mặt với kết quả không thành công, mình chỉ muốn nói hay là thôi, vợ chồng mình cứ sống với nhau vậy cũng được”.
Nhưng sâu thẳm trong lòng chị Diệu, ngọn lửa hy vọng chưa bao giờ tắt hẳn. Nó chỉ leo lét, chờ một cơn gió lành để bùng lên.
Con trai chị Đỗ Thị Diệu – “trái ngọt” IVF sau gần 10 năm mong chờ
Bước ngoặt từ lần làm IVF cuối cùng
Vào lần chuyển phôi cuối cùng, chị Diệu chỉ còn lại hai, một phôi độ 3 và một phôi độ 4. Được bác sĩ Tăng Đức Cương động viên, hai vợ chồng quyết định làm lần cuối dù trong tâm thế đã gần như buông xuôi.
Chị Diệu nghĩ: “Thôi thì làm cho hết phôi, không được nữa thì vợ chồng mình xin con nuôi”.
Mười hai ngày chờ đợi, chị không dám hy vọng. Đến lúc cầm tờ xét nghiệm, tay vẫn run rẩy. Chỉ số Beta HCG: chỉ được 20. Rất thấp so với mốc 10 ngày sau chuyển phôi. Anh chị từng nghĩ “Chắc mình không có duyên với con”.
Nhưng chính bác sĩ Tăng Đức Cương lại là người níu giữ hy vọng. Ông dặn vợ chồng nên bình tĩnh, tin tưởng và tiếp tục dùng thuốc. Hai ngày sau, khi xét nghiệm lại: Beta tăng. Một tuần sau, lại tiếp tục tăng. Mầm sống yếu ớt vẫn đang kiên cường bám trụ trong bụng mẹ.
Dọa sảy tuần thứ 6 và phác đồ giữ thai chuyên biệt
Nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại. Khi thai được 6-7 tuần, chị Diệu bàng hoàng phát hiện máu chảy ồ ạt.
“Bầu trời như sụp đổ trước mắt. Suy nghĩ duy nhất lúc đó là tôi sắp mất con rồi”, chị run rẩy kể lại.
Tuyệt vọng, anh Mạnh vội gọi cho bác sĩ Hường, một thành viên trong ê-kíp của bác sĩ Tăng Đức Cương tại Đông Đô IVF Center. Giọng nói bình tĩnh của bác sĩ qua điện thoại như một chiếc phao cứu sinh, khi tận tình hướng dẫn cách dùng thuốc và dặn dò cả hai vợ chồng phải theo dõi sát sao.
Và phép màu một lần nữa đã mỉm cười. Máu ngừng chảy. Tim thai vẫn ổn định trong những lần siêu âm sau đó. Mầm sống bé bỏng vẫn tiếp tục kiên cường bám mẹ và phát triển khỏe mạnh.
“Trộm vía, sau lần đó, mọi thứ đều ổn định. Con phát triển khỏe mạnh từng ngày trong bụng mẹ. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong gần 10 năm qua của vợ chồng mình”, anh Mạnh chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Trái ngọt sau hành trình IVF gian nan
Ngày con trai chào đời khỏe mạnh, cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Anh Mạnh là người đầu tiên được ôm con vào lòng. Anh nói, cảm giác lúc đó không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Đó là sự diệu kỳ, là món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho sự kiên trì của hai vợ chồng.
Nhìn con trai đang say ngủ, chị Diệu mỉm cười viên mãn. Chị nói rằng, hành trình đã qua dù đầy chông gai nhưng xứng đáng bởi dạy cho anh chị biết trân quý hơn giá trị của hạnh phúc, của tình yêu thương và sự bền bỉ.
“Hành trình tìm con có thể là một con đường gập ghềnh, nhưng ở cuối con đường đó, với những ai không ngừng bước đi, ánh sáng của hạnh phúc và tiếng cười con trẻ vẫn luôn chờ đợi”, chị Diệu khẳng định.