Vợ chồng chị Nguyễn Minh Hường nắm tay nhau vượt qua gần một thập kỷ hiếm muộn để chào đón đứa con đầu lòng nhờ hành trình bền bỉ tại Đông Đô IVF Center.

Kết hôn từ năm 2013, chị Nguyễn Minh Hường (sinh năm 1987, quê Hải Phòng) và chồng – người bạn đời cùng tuổi – từng nghĩ chỉ cần yêu thương nhau đủ đầy thì hạnh phúc sẽ tự nhiên gõ cửa. Nhưng trái với những mong chờ giản dị, điều họ nhận lại là chuỗi ngày lặng lẽ đi qua các bệnh viện, các phòng khám lớn nhỏ, nối dài gần 10 năm mang tên “hiếm muộn”.

Chị Hường suy buồng trứng sớm, chỉ số AMH (chỉ dấu dự trữ trứng buồng trứng) ở ngưỡng rất thấp, đồng nghĩa với khả năng sinh sản bị đe dọa nghiêm trọng. Chồng chị cũng được chẩn đoán tinh trùng yếu, số lượng và chất lượng không đảm bảo. Tin dữ ấy như một gáo nước lạnh dội vào những hy vọng vừa nhen nhóm.

“Hai vợ chồng đã đi qua rất nhiều bệnh viện, từ Hải Phòng lên Hà Nội, vào tận TP.HCM. Mỗi lần là một niềm hy vọng mới, nhưng kết thúc đều là một sự hụt hẫng”, chị nhớ lại. Có những chu kỳ chị kích trứng không đạt, nhiều tháng liên tục chỉ số nội tiết chạm đáy, thuốc uống cứ dài như vô tận, còn niềm tin dần vơi cạn.

Một người cô họ từng khuyên chị nên gặp bác sĩ Tăng Đức Cương, chuyên gia điều trị vô sinh hiếm muộn ở Hà Nội. Lúc đó chị vẫn chần chừ. Sau này, khi bạn thân cũng nhắc đến bác sĩ Cương, chị quyết định bước chân tới Đông Đô IVF Center, nơi ông trực tiếp điều trị.

“Gặp bác sĩ Cương giống như tìm được ánh sáng giữa đoạn đường tối tăm. Bác sĩ không chỉ khám và kê đơn, mà còn giúp mình hiểu rõ cơ thể, biết lúc nào nên chờ, lúc nào nên hành động”, chị chia sẻ.

Từ năm 2016 đến 2021, chị Hường kiên trì theo sát phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Cứ mỗi đợt nội tiết cải thiện, chị lại hy vọng. Có khi chỉ có một trứng đạt, có lúc không thể chuyển phôi vì tử cung chưa sẵn sàng. Mỗi lần thất bại, chị nghỉ ngơi, bổ sung nội tiết rồi lại tiếp tục. Có thời điểm, chồng chị muốn đổi trung tâm khác, nhưng chị vẫn quyết tâm ở lại: “Mình tin bác sĩ Cương hiểu rõ bệnh của mình hơn ai hết. Quan trọng nhất là phải giữ vững lòng tin”.

Năm 2021, khi chỉ số nội tiết ổn định hơn, vợ chồng chị thử Mini IVF rồi IUI, những phương pháp ít can thiệp, nhưng kết quả vẫn là một vạch. Mãi đến cuối năm 2022, họ quyết định thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Kết quả thành công ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên. Đây là món quà của gần một thập kỷ kiên trì không bỏ cuộc.

Tháng 1/2023, bé trai đầu lòng chào đời. Cả gia đình gọi thân mật là “Mía” – cái tên mang vị ngọt của sự sống, sự chờ đợi và lòng biết ơn.

Điều đặc biệt, bé Mía có tên khai sinh là Nguyễn Minh Cương, như một lời tri ân đến bác sĩ Tăng Đức Cương – người đã đồng hành với vợ chồng chị suốt chặng đường dài đầy thử thách.

Áp lực vô hình và điểm tựa từ gia đình

Suốt 9 năm tìm con, không ít lần chị Hường phải đối diện với những ánh nhìn ái ngại, những câu hỏi vô tình nhưng như dao cứa: “Sao mãi chưa có con?”. “Hai vợ chồng có vấn đề gì à?”. Người thân thì im lặng nhưng người ngoài thì không ngừng tò mò.

“Có lúc mệt quá, mình chỉ muốn trốn đi đâu đó thật xa. Nhưng rồi lại tự nhủ: chưa đủ duyên thì đợi. Đợi đến khi cơ thể sẵn sàng, đến khi con chọn mình để đến”, chị nói.

Gia đình hai bên là chỗ dựa vững chắc. Mẹ chị, một người phụ nữ miền biển cứng cỏi, tuy không nói nhiều, nhưng luôn dõi theo từng bước con gái. “Cứ nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, mẹ lại ghi lại địa chỉ, số điện thoại gửi mình. Lần nào về quê cũng hỏi thăm mà không dám thúc ép”.

Chồng chị, một kỹ sư xây dựng, bận rộn và ít nói, nhưng chưa một lần để vợ đơn độc trên hành trình này. 

“Anh không biết đọc chỉ số nội tiết hay đánh giá kết quả xét nghiệm, nhưng lần nào đi khám, chuyển phôi, anh cũng xin nghỉ làm để đi cùng. Có mặt ở đó, nắm tay vợ là đủ rồi”, chị kể.

Từ một đứa trẻ… đến giấc mơ lần hai

Hiện tại, bé Mía đã tròn 16 tháng tuổi, cứng cáp, nhanh nhẹn và rất giống bố. “Mỗi lần con biết gọi mẹ, chạy lại ôm cổ là mọi nỗi mệt mỏi tan biến hết. Thấy con phát triển khỏe mạnh, mình thấy hành trình gần 10 năm đã qua thật đáng giá”, chị cười hiền.

Dù từng trải qua lần dọa sảy đầy lo lắng khi mang thai bé Mía, dù hành trình chuyển phôi và giữ thai trước đó nhiều gian nan, chị Hường vẫn trở lại Đông Đô IVF Center để chuyển phôi lần hai. Chị không đặt quá nhiều kỳ vọng, chỉ mong có thêm một cơ hội – một em bé nhỏ để làm bạn cùng con trai.

“Lần này tâm lý mình thoải mái hơn vì mọi thứ thuận theo tự nhiên. Có được thì tốt, không được vẫn hạnh phúc”, chị nói.

Chị Hường kể, mỗi lần đến Đông Đô IVF Center, từ bảo vệ đến lễ tân, y tá, điều dưỡng đều nhận ra chị ngay. “Mình điều trị ở đây lâu quá, như người nhà vậy. Ai cũng thân thiện, hỏi han chu đáo. Biết mình ở xa, trung tâm còn xếp lịch ưu tiên để không phải chờ đợi lâu”.

Đông Đô IVF Center, nơi khởi nguồn những phép màu

Trong gần một thập kỷ đồng hành cùng những bệnh nhân hiếm muộn, Đông Đô IVF Center đã chứng kiến hàng ngàn câu chuyện xúc động như của chị Hường. Nơi đây quy tụ đội ngũ bác sĩ đầu ngành – đặc biệt là ThS.BS Tăng Đức Cương – cùng hệ thống điều trị hiện đại, đồng bộ, ứng dụng nhiều công nghệ hỗ trợ sinh sản tiên tiến như IVF, ICSI, Mini IVF, IUI…

Không chỉ điều trị, trung tâm còn chú trọng chăm sóc tâm lý, tạo dựng niềm tin và hy vọng cho từng bệnh nhân. Bởi đôi khi, thứ bệnh nhân cần không chỉ là một phác đồ hiệu quả, mà còn là một nơi để tin tưởng và vững lòng bước tiếp.

“Chỉ cần kiên trì, phép màu sẽ đến”

Hành trình tìm con của chị Nguyễn Minh Hường không chỉ là câu chuyện riêng của một người mẹ, mà còn là nỗi niềm chung của nhiều gia đình hiếm muộn. Những giọt nước mắt, những lần thất bại tưởng chừng không thể đứng dậy, giờ đã được sưởi ấm bằng ánh mắt trong veo của bé Mía.

“Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo. Nhưng nếu một người nản lòng, thì người kia phải mạnh mẽ hơn. Hai vợ chồng chỉ mong có thêm một phép màu nữa, để gia đình thêm trọn vẹn”, chị Hường nói.